Nguyên nhân gây ra sỏi mật

Đã Xem: 114

Mật do gan sản xuất ra. Vì vậy, đường dẫn mật bắt nguồn từ trong gan đi ra ống mật chủ, đa phần dịch mật tích trữ vào túi mật và bài tiết dần xuống ruột qua bóng Vater xuống tá tràng (nơi lỗ đổ của ống mật chủ và ống tụy chính xuống tá tràng).

Có nhiều nguyên nhân gây nên sỏi mật. Sỏi mật sẽ được hình thành khi có sự mất cân bằng giữa các thành phần này. Trong khi đó, chất cholesterol được giữ giới hạn bình thường là do nó hòa tan được trong muối mật. Chừng nào có sự gia tăng số lượng cholesterol làm mất khả năng hòa tan đó sẽ dẫn tới hình thành sỏi mật (sỏi cholesterol).  Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự hình thành và phát triển của sỏi mật, sẽ xảy ra khi có các bệnh lý tại gan (suy giảm chức năng gan) hoặc cung cấp quá nhiều cholesterol trong chế độ ăn hàng ngày.

Nếu suy giảm chức năng gan, sẽ tạo ra quá nhiều cholesterol hoặc ngược lại quá ít lecithin và axít mật, khi đó cholesterol sẽ không được hòa tan hết và lâu dần kết tụ lại thành sỏi. Bên cạnh đó, nếu chế độ ăn quá nhiều cholesterol trong chế độ ăn hàng ngày, cũng sẽ dẫn tới dư thừa cholesterol ở trong dịch mật và tạo nên sỏi. Ngược lại, số lượng cholesterol bình thường nhưng số lượng muối mật bị suy giảm vì một lý do nào đó (viêm nhiễm đường mật…) cũng làm cho sự hòa tan của cholesterol ảnh hưởng, lúc đó sự hình thành sỏi mật do sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật xảy ra

Một số nguyên nhân khác như: bệnh của đường ruột (viêm ruột mạn tính, bệnh lý hồi tràng…) sẽ làm giảm hấp thu các axít mật, hoặc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật (vì chúng làm tăng nồng độ cholesterol và giảm sự co bóp của túi mật). Song song với sự gia tăng cholesterol làm xuất hiện sỏi mật, nếu có quá nhiều bilirubin ở trong dịch mật cũng sẽ hình thành sỏi mật. Các nhà khoa học còn đề cập đến nguyên nhân do giảm vận động đường mật (ngồi nhiều, ít vận động cơ thể ở người lái xe chuyên nghiệp, cán bộ văn phòng, người cao tuổi…) khiến cho dịch mật bị ứ trệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần ở trong dịch mật lắng đọng và kết tụ thành sỏi.

Hoặc sỏi mật có thể do chế độ ăn kiêng khem quá mức, hoàn toàn vắng mặt chất béo trong một thời gian dài làm giảm các cơn co bóp của túi mật hoặc do nuôi ăn qua đường tĩnh mạch dài ngày hoặc do viêm túi mật mạn tính hoặc thường xuyên sử dụng thuốc làm giảm co bóp cơ trơn như atropin, papaverin (bệnh dạ dày, bệnh gan mật, sỏi tiết niệu…). Tất cả những việc đó đều có thể làm giảm chức năng co bóp của túi mật dẫn đến hình thành sỏi mật.

Ngoài ra, còn có khá nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy hình thành sỏi mật như do tuổi tác (tuổi càng cao khả năng hình thành sỏi mật càng dễ) hoặc do sinh đẻ nhiều (phụ nữ), béo phì  hoặc do táo bón kéo dài (gặp nhiều ở người cao tuổi do ngại uống nước, ít ăn rau, ít vận động cơ thể). Táo bón kéo dài còn tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột phát triển và chúng đi ngược lên tá tràng chui vào đường dẫn mật gây viêm nhiễm, lắng đọng muối mật, cholesterol, từ đó sẽ hình thành sỏi mật. Nên lưu ý, giun chui ống mật là một nguyên nhân đáng kể hình thành sỏi mật. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, không có một yếu tố chắc chắn nào gây nên sỏi mật, mà nó có thể được hình thành bởi sự phối hợp của nhiều nguyên nhân.